Dư địa phát triển logistics và chiếc ‘chìa khóa’ trong tay doanh nghiệp ngoại
Mặc dù cảng biển và dịch vụ hàng hải đang là những mảng kinh doanh đầy triển vọng đối với các doanh nghiệp hậu cần (logistics) nội địa, song nguồn thu chính của họ từ khối vận tải biển đã sụt giảm trong thời gian gần đây. Bên cạnh nỗi khó khăn đến từ tác động của suy thoái kinh tế toàn cầu, các doanh nghiệp logistics trong nước ngày càng chịu sức ép đến từ sự cạnh tranh quyết liệt của doanh nghiệp nước ngoài trong chuỗi cung ứng.
Trong nhiều năm qua, một trong những vấn đề nổi cộm của chuỗi cung ứng tại Việt Nam đó là thị trường logistics đầy tiềm năng nhưng sự phát triển của doanh nghiệp trong nước lại phân tán do những hạn chế về vốn, công nghệ, chính sách và hạ tầng. Điều này dẫn đến Việt Nam có chi phí logistics cao hơn nhiều so với các nước trên thế giới, và nhà cung ứng nội địa thua thiệt trong cuộc cạnh tranh ngay trên sân nhà.
Các doanh nghiệp nội địa cần tìm cách thích ứng với những xu hướng công nghệ mới – vốn đang làm thay đổi cách thức kinh doanh logistics trên toàn cầu. Ảnh minh họa: Trung Chánh
Tại một cuộc tọa đàm trong khuôn khổ triển lãm chuyên ngành logistics vào tuần qua, ông Trần Thanh Hải, Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết logistics là một trong những ngành kinh tế tăng trưởng nhanh và ổn định nhất của Việt Nam, với mức tăng trưởng bình quân 14-16%/năm, quy mô 40-42 tỉ đô la Mỹ/năm. Việt Nam được xếp hạng thứ 11 trong nhóm 50 thị trường logistics hàng đầu toàn cầu.
Thế nhưng, ngành logistics vẫn còn nhiều điểm yếu, trước hết là chịu sự chi phối quá lớn của các doanh nghiệp nước ngoài, các doanh nghiệp lnội địa chưa liên kết được với nhau và chưa liên kết được với các nhà sản xuất, kinh doanh. Quy mô và tiềm lực tài chính của các doanh nghiệp nội còn yếu nên thường xuyên bị “ép giá” hoặc có lợi nhuận thấp trong dịch vụ logistics.
Trao đổi với Kinh tế Sài Gòn Online bên lề cuộc tọa đàm ngày 11-5, ông Cáp Trọng Cường, Tổng giám đốc Công ty cổ phần tập đoàn container Việt Nam (Viconship) – doanh nghiệp sở hữu và khai thác hệ thống cảng tại Hải Phòng và Đà Nẵng, cho biết các công ty logistics Việt Nam đang làm thuê trên sân nhà. Nhiều doanh nghiệp nước ngoài khi vào Việt Nam không có hệ thống kho bãi, cảng cạn… nhưng họ sở hữu những điểm mạnh về nhân lực và công nghệ. Sự tối ưu hóa về nhân lực, quy trình và hệ thống công nghệ đã giúp doanh nghiệp ngoại vượt lên trong cuộc đua với doanh nghiệp nội. Chưa kể, các nhà cung ứng dịch vụ logistics của Việt Nam lại cạnh tranh nhau về giá chứ không phải bằng chất lượng dịch vụ nên đẩy nhau vào tình thế đã khó lại càng thêm khó.
Ông kêu gọi các doanh nghiệp nội địa, với sự hỗ trợ của các cơ quan quản lý, đừng tham gia các cuộc đua hạ giá cước logicstics xuống đáy, dù trên thực tế nhu cầu toàn cầu đã sụt giảm khoảng 30% so với hồi tháng 9-2022. Theo ông, cạnh tranh để giảm chi phí là điều đương nhiên nhưng giảm giá đến ngưỡng nhất định thì không thể hạ giá được nữa. Vì hạ giá để phá sản, không có sự tích lũy, không tái đầu tư, không hiện đại hóa trang thiết bị mới thì lại tiếp tục rơi vào tình cảnh làm thuê giá rẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần tìm cách thích ứng với những xu hướng công nghệ mới – vốn đang làm thay đổi cách thức kinh doanh logistics trên toàn cầu.
Theo số liệu mới nhất của bản tin về hàng hải và logistics Việt Nam, lợi nhuận của doanh nghiệp cảng biển tại Việt Nam sụt giảm trong 1-2023 và dự báo hoạt động của ngành tiếp tục gặp nhiều khó khăn. Thống kê của Cục Hàng hải Việt Nam cho thấy, trong quí 1-2023, sản lượng hàng hóa qua cảng biển đạt khoảng 165.276 tấn, giảm 4% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hàng hóa container đạt 5177 TEU, giảm 15% so với cùng kỳ năm 2022. Sự sụt giảm mạnh về lượng hàng hóa qua cảng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp có lợi nhuận tăng trưởng âm trong quí 1-2023. |